Loading...
CAR càng cao, khả năng phòng vệ càng vững chắc

Hiện có những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiếu ở mức hơn 14% cao hơn nhiều so với yêu cầu 8% theo tiêu chuẩn của Basel II. CAR cao quá có tốt hay không, hệ số này ở mức nào phù hợp vừa đảm bảo kinh doanh hiệu quả vừa đảm bảo an toàn vốn. Phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc SCB để hiểu thêm về vấn đề này.

Theo ông, hệ số CAR ở mức thế nào là phù hợp đối với một ngân hàng?

Tính toán về cơ học, khi hệ số CAR càng cao thì ngân hàng đó hoạt động càng lành mạnh. CAR được coi là lớp phòng vệ bảo đảm sự an toàn lành mạnh trong hoạt động của ngân hàng. Nếu để hệ số này ở mức thấp, lớp phòng vệ của ngân hàng rất mong manh. Còn hệ số CAR ở mức nào là phù hợp, theo tôi nó cũng tùy vào từng thời điểm không phải cứ thời điểm nào cũng chỉ duy trì ở một mức mà có thể dao động ở mức 13 – 14% là tốt nhất. Còn nếu tính theo quy định hiện hành chứ chưa tính theo quy định của Basel II, hệ số CAR ở mức 10 – 12% vẫn còn hơi mỏng. Basel II yêu cầu CAR ở mức 8% nhưng công thức để tính hệ số CAR khá phức tạp nên để đáp ứng được quy định trên không hề dễ dàng. Xa hơn nữa, Basel III yêu cầu hệ số CAR còn cao hơn trên 13%. Theo đó các ngân hàng hướng tới mục tiêu tiến xa hơn hiện tại.

Duy trì hệ số CAR cao như vậy, ngân hàng có thận trọng quá hay không, thưa ông? Và điều đó tác động thế nào đến hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng?

Đúng là cẩn thận quá chưa chắc là tốt, bởi trong kinh doanh thì DN nào cũng mong muốn đạt lợi nhuận cao. Nhưng đối với ngân hàng đảm bảo sự an toàn của hệ thống mới là vấn đề quan trọng nhất. Trong giới kinh doanh ngân hàng đều có chung suy nghĩ xác định đây là lĩnh vực kinh doanh bền vững chứ không bằng mọi giá chạy theo lợi nhuận. Nên dù có lãi ít một chút, nhưng đảm bảo ngân hàng đó vẫn hoạt động bền vững là tốt nhất. Còn hơn là lãi hơn chút mà lại không an toàn chưa hẳn đã tốt. Nói ví von thì như xây nhà chắc chắn kiên cố, bình thường có thể thấy hơi lãng phí, nhưng nếu xảy ra mưa bão nó lại chống chịu rất tốt. Tỷ lệ an toàn vốn sẽ giải quyết vấn đề là ngân hàng có khả năng tồn tại lâu nhất cho dù có những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Cho dù nền kinh tế có bị ảnh hưởng mạnh như thế nào đi nữa thì ngân hàng vẫn còn thừa vốn để giải quyết những tình huống nợ xấu có thể xảy ra.

Chủ trương kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng nhất là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro của NHNN cũng là một hình thức giúp ngân hàng cải thiện chỉ số trên?

Đúng vậy. Đối với những lĩnh vực có tính rủi ro cao như bất động sản… thì hệ số rủi ro đối với các khoản vay này cũng cao hơn so với các khoản vay thông thường. Vì vậy, nếu ngân hàng muốn cho vay lĩnh vực này phải có vốn lớn mới đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Nếu không sẽ tác động làm giảm tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng đó. Theo tôi đây là định hướng đúng. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để NHNN cấp room tín dụng cho các ngân hàng trong thời gian qua bên cạnh một số yếu tố khác như chất lượng khách hàng, dự án hiệu quả được khuyến khích…

Có ý kiến cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm nay không cần thiết phải đạt 17% như mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi nghĩ đây là bài toán lâu dài chứ không thể nhìn vào hiện tượng để đánh giá. Nếu như trước đây hạn chế tăng trưởng tín dụng, đầu tư thấp thì liệu có mức tăng trưởng GDP tốt như hiện nay. Không đầu tư làm sao có động lực để phát triển. Như thời điểm này, các DN cũng cần có thêm nguồn lực mở rộng đầu tư nhà xưởng máy móc để đón chờ những cơ hội kinh doanh mới. Nếu không cho họ vay vốn thì làm sao mà phát triển sản xuất kinh doanh được. DN mà không phát triển làm sao có tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, chúng ta cần đảm bảo hài hoà giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với tăng trưởng tín dụng đầu tư.

Xin cảm ơn ông!

Hà Thành

Các tin khác
free stats Khoa Tài Chính - Ngân Hàng
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
Nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Tel/Fax: (84-24) 37950341 - Website: tcnh.ueb.edu.vn